HÀ NỘI XÂY THÊM TRƯỜNG CẤP 3 CÔNG LẬP TẠI NỘI THÀNH

 Ít nhất 1 dự án trường THPT công lập mới đang được xây dựng tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.

Thông tin được bà Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch quận Tây Hồ - cung cấp tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024 thành phố Hà Nội diễn ra sáng 14/8.

Ngoài trường THPT mới đang được xây dựng tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cũng đang đầu tư sửa chữa hai trường cấp 3 Chu Văn An và Tây Hồ.

Từ nay đến năm 2025, quận Tây Hồ sẽ xây mới thêm 8 trường nữa từ bậc mầm non tới THPT.

Cũng trong năm qua, quận Hoàng Mai khởi công xây dựng 17 trường công lập. Có 4 dự án trường học từ mầm non tới THPT dự kiến sẽ hoàn thành trong năm học 2024-2025.

Năm học 2023-2024, Hà Nội tăng 39 trường học mầm non, phổ thông các cấp bao gồm cả khối công lập và ngoài công lập. Trong đó, có 1 trường THPT công lập được thành lập mới là Trường THPT Thọ Xuân, thuộc huyện Đan Phượng. Tổng mức đầu tư cho trường học này là 110 tỷ đồng.

Báo cáo tổng kết năm học của thành phố cho thấy, quy mô giáo dục của Hà Nội không ngừng phát triển.

Tổng số trường học của Hà Nội là 2.913 trường với 2,3 triệu học sinh, chiếm gần 1/10 học sinh cả nước. Tổng số giáo viên của Hà Nội vào khoảng 130.000 người.

Hiện thành phố có 23 trường chất lượng cao và đang triển khai đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến hiện đại có quy mô từ 5ha trở lên.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội là 80%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT là 99,81%, tăng 5 bậc so với năm 2023. Số học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế của Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với 198 giải.

Số học sinh nhập học lớp 10 công lập năm 2024 là 73.370 học sinh, chiếm 99,56% chỉ tiêu công lập.

Một trong những điểm nổi bật của giáo dục thủ đô trong năm học 2023-2024 là việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, không có những vấn đề nóng, gây bức xúc xã hội.

Đặc biệt, tình trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ học cho con đã được chấm dứt hoàn toàn khi Sở Giáo dục và Đào tạo quán triệt các trường phải tổ chức tuyển sinh trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những chuyển biến tích cực của giáo dục thủ đô trong năm học qua. Thứ trưởng nêu con số 97,6% số trường tiểu học của Hà Nội triển khai học bạ số, nhận định đây là một nỗ lực lớn của các cấp quản lý và cơ sở giáo dục.

Có thể là hình ảnh về 8 người, cái bục và văn bản

Về mặt tồn tại, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hà Nội giải quyết hai "điểm nghẽn" liên quan tới giáo viên.

Hiện tỷ lệ giáo viên Hà Nội đạt chuẩn thấp so với cả nước. Một trong những lý do của tình trạng này là số giáo viên ngoài công lập của Hà Nội rất lớn, kéo tỷ lệ chuẩn giáo viên chung xuống.

Thứ trưởng nhắc nhở lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội cần tham mưu với thành phố để có lộ trình nâng chuẩn giáo viên phù hợp ở cả hai khối công - tư.

Nếu không giải quyết được, trong vòng 5-6 năm tới, một số lượng lớn giáo viên sẽ không đủ điều kiện đứng lớp nữa, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn thủ đô.

Đáng chú ý, Hà Nội hiện có 8.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên chưa được sử dụng, cao nhất toàn quốc. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nêu vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ này tại hội nghị, đồng thời nhận định có sự chênh lệch về chất lượng giáo viên giữa nội thành và ngoại thành.

Nguồn: Hà Nội xây thêm trường cấp 3 công lập tại nội thành | Báo Dân trí (dantri.com.vn)

Bài viết liên quan

0373623280