TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÀNG UY TÍN SẼ CÀNG DÙNG ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP ĐỂ CHỌN LỌC THÍ SINH
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trong điều kiện hiện nay là hợp lý.
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ tham mưu với Ban cán sự Đảng của Bộ về việc yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu, xem xét tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp đang thu hút sự quan tâm của các nhà trường, phụ huynh và thí sinh.
Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn sẽ được nhiều trường ưu tiên
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Chừng - nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (nay là Vụ Giáo dục đại học), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc tăng chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, khi đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có những phương án hài hòa khi áp dụng để không làm ảnh hưởng đến quyền của các trường.
Qua đó, Phó Giáo sư Đỗ Văn Chừng nhấn mạnh: "Hiện nay đang có rất nhiều phương thức xét tuyển đầu vào được các trường đại học sử dụng. Trong đó, việc dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ là một phương thức để đảm bảo chất lượng đầu vào giống như các phương thức khác.
Vì thế, các trường đại học cần chủ động khi xây dựng phương án tuyển sinh, với mục đích là tạo cơ chế sàng lọc tốt nhất. Đồng thời các trường cũng không nên quá nặng nề tâm lý khi Bộ có đề xuất các phương án. Bởi lẽ, để đưa vào triển khai, chắc chắn Bộ cũng sẽ có sự điều chỉnh để hạn chế sự tác động đến từng trường".
Nguyên lãnh đạo Vụ Đại học cũng nhận định rằng, vai trò của điểm số trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ khó có thể suy giảm dù các trường có đẩy mạnh tuyển sinh bằng phương thức khác. Bởi lẽ, trong tương lai vẫn sẽ có nhiều trường đại học lớn duy trì và coi đó là phương thức tuyển sinh chính để chọn lọc nguồn đầu vào.
Thầy Chừng nhận định, vai trò điểm số của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ dần định hình rõ hơn khi nó giúp phân tầng, phân hóa chất lượng thí sinh. Trường càng uy tín thì họ sẽ càng cần đến phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để chọn lọc thí sinh chất lượng cao. Ngược lại với những trường đại học gặp khó trong công tác tuyển sinh, họ cần cân đối để lượng chỉ tiêu cao hơn rơi vào các phương thức khác mà thí sinh dễ trúng tuyển hơn.
Phó Giáo sư Đỗ Văn Chừng nêu dẫn chứng của việc này vào thời điểm khi thi tuyển sinh đại học chủ yếu do các trường tự tổ chức thi và xét tuyển để lựa chọn thí sinh. Khi đó mỗi trường tổ chức thi vào một thời điểm khác nhau ngay sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ông nhận thấy rằng, làm như vậy rất tốn kém và vất vả cho đội ngũ cán bộ nhà trường lẫn các thí sinh tham gia. Sau đó, ông cũng đã có một số đề xuất với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chỉ dùng một kỳ thi chung để xét tuyển đại học.
"Đến năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức cho phép các trường lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để làm căn cứ xét tuyển đầu vào đại học. Minh chứng về vai trò của điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là số lượng thí sinh nhập học hiện nay vẫn cao nhất so với các phương thức xét tuyển khác.
Còn với các phương thức xét tuyển khác, trong đó có xét điểm học bạ được coi là "cứu cánh" với rất nhiều trường đại học đang phải chạy đua cạnh tranh thí sinh vào mỗi mùa tuyển sinh.
Qua đó cho thấy, nếu trường đại học nào buộc phải giảm bớt chỉ tiêu với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng có thể vì lý do trường đại học đó đang gặp khó khăn trong việc thu hút thí sinh. Nếu có sự lựa chọn, chắc chắn họ vẫn ưu tiên hơn cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông", Phó Giáo sư Đỗ Văn Chừng chia sẻ.
Hạn chế tình trạng "làm đẹp" học bạ
Cùng quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, đề xuất này cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự sát sao hơn đối với các trường đại học trong công tác tuyển sinh thời điểm hiện tại.
Theo vị này, khi Bộ tăng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp nó sẽ góp phần hạn chế tình trạng "làm đẹp học bạ", một tình trạng khó xử lý triệt để trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời việc này có thể sẽ giảm thiểu được các chi phí không đáng có đối với nhà trường, thí sinh khi mở ra quá nhiều phương thức xét tuyển.
Cũng theo vị Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục, đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, ông cho rằng đây là phương thức tốt, phản ánh đúng thực tế người học. Phương thức này cũng được nhiều nước đang áp dụng và cho thấy những kết quả tích cực.
"Muốn các phương thức đạt được mục tiêu như ý muốn, phát huy được ưu điểm thì chính mỗi phương thức phải đáp ứng điều kiện cần và đủ.
Nếu sử dụng phương thức xét tuyển học bạ thì cần xem xét đến chất lượng học bạ đó có thực chất chưa?
Đương nhiên, việc kiểm tra được chất lượng của học bạ từng thí sinh là rất khó và mất nhiều thời gian. Vì thế, khi chỉ tiêu cho phương thức đó bị "thu hẹp", đồng nghĩa với việc thí sinh có ý định "làm đẹp học bạ" cũng phần nào bỏ ý muốn vì kết quả trong học bạ không phải là tất cả", Phó Giáo sư Trần Hậu nêu quan điểm.
Qua đó, vị Phó Giáo sư này nhấn mạnh, việc ưu tiên xét tuyển đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, nếu áp dụng điều này vào thực tế thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét kỹ lưỡng đến điều kiện tuyển sinh của từng trường.
Phó Giáo sư Trần Hậu bày tỏ: "Nếu trường đại học nào có lượng thí sinh đăng ký dồi dào, qua đánh giá các năm, Bộ có thể điều chỉnh để buộc trường đó tập trung cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Còn đối với các trường khó tuyển sinh hơn thì nên linh hoạt các phương thức.
Mục tiêu là làm sao có thể đảm bảo duy trì thế mạnh của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp nhưng cũng có thể hài hòa để các trường không bị ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh hàng năm".
Cần lưu ý đến năng lực tuyển sinh từng trường khi áp dụng thực hiện
Còn theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin (nay là Viện Thông tin khoa học), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Việc tăng tỷ lệ xét tuyển với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp sẽ giúp các trường nâng cao hơn chất lượng đầu vào tuyển sinh khi chọn được thí sinh có năng lực thực sự. Tuy nhiên, cần lưu ý đến điều kiện tuyển sinh của từng trường để có sự điều chỉnh thật hợp lý.
Qua đó vị này cho rằng, nếu trường đại học nào có năng lực tuyển sinh tốt nhưng vẫn ưu tiên cho các phương thức khác thay vì tăng tỷ lệ xét tuyển dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì Bộ cần có sự can thiệp, điều chỉnh.
Ngược lại, với những cơ sở giáo dục đại học đang gặp khó trong tuyển sinh thì cần có chính sách hỗ trợ, ưu tiên. Điều này là để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời giúp các trường đảm bảo tỷ lệ phân bố đồng đều về lượng thí sinh.
"Thông thường các trường đại học uy tín, nằm ở tốp trên thì công tác tuyển sinh hàng năm thường diễn ra khá dễ dàng. Thậm chí có trường phải loại bớt thí sinh để đảm bảo lượng chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên các trường ở tốp dưới thì hoàn toàn ngược lại.
Tôi đã từng chứng kiến một số trường đại học ở địa phương gặp muôn vàn khó khăn mỗi mùa tuyển sinh. Có trường phải xin "thông tin" từ các trường trung học phổ thông hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo để gửi "thư mời" đăng ký tuyển sinh qua học bạ đến từng nhà nhưng thí sinh cũng không mấy quan tâm. Các em vẫn chọn theo học tại các trường ở thành phố lớn.
Vì thế, mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự khảo sát, đánh giá thật kỹ lưỡng đến điều kiện thực tế của từng loại hình trường. Từ đó đưa ra những giải pháp mang tính đổi mới nhưng cũng không để ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của từng trường.
Đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát kết quả tuyển sinh sau khi các trường công bố lượng sinh viên viên trúng tuyển nhập học", nguyên lãnh đạo Trung tâm thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho hay.